Dịch tả lợn châu Phi: Hỗ trợ dân thế nào để không lợi bất cập hại?

  • 18/07/2019 03:17:07
  • Nhóm phóng viên
  • Xã hội
  • 0

Làm thế nào để người dân không lợi dụng chính sách hỗ trợ là câu chuyện đang nổi cộm ở dải đất miền Trung.

 

Hiện nay, trung bình mỗi ngày ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cả trăm tỷ đồng.

Đi qua vùng dịch

Nằm cách thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế chừng 10 cây số, trang trại chăn nuôi lợn quy mô gần 800 con của bà Trần Thị Mỹ Lệ ở thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng vắng vẻ, đìu hiu. Những ô chuồng trống hoác. Bà Lệ than thở, cách đây hơn 1 tháng, khi dịch bệnh chưa xảy ra, ngày nào bà cũng túc trực ở trang trại rải vôi, phun thuốc. Cầm cự được thời gian ngắn thì dịch ập đến. Tất cả lợn trong trang trại buộc phải tiêu hủy. Tiền đầu tư làm chuồng trại, chăn nuôi hết 3 tỷ đồng. Chủ trang trại chịu tổn thất gần một nửa, còn lại nhà nước “gánh” khoản hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng.

Lợn chết như ngả rạ ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

       Thị trấn Phú Đa là một trong những địa phương có tỷ lệ lợn tiêu hủy cao nhất miền Trung (chiếm khoảng 30% tổng đàn, tỷ lệ này cả nước khoảng 7%). Ở một số thôn, tỷ lệ lợn mắc bệnh chiếm đến gần một nửa tổng đàn. Ông Nguyễn Xuân Lãm ở thôn Đức Thái, thị trấn Phú Đa than thở: “Nuôi đàn lợn  tốn bao công sức, tiền của. Ở vùng cát trắng này, nuôi lợn không chỉ để bán mà còn lấy phân bón rau, màu. Lợn chết hết, cây trồng vài bữa cũng chết theo. Mình kêu thú y tới chích thuốc cũng không được vì họ nói bị bệnh dịch rồi, họ cũng bó tay”.

      Lợn chết như ngả rạ khiến chính quyền và ngành chức năng ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế gần như bất lực. Thời gian đầu, thú y địa phương còn cấp phát cho người dân một ít thuốc, vài ký vôi về phun, nhưng khi dịch đã phủ kín địa bàn thì lợn nhà ai chết, nhà nấy tự đi chôn. Bà Võ Thị Hoa, ở thôn Thanh Nam, thị trấn Phú Đa cho biết: “Dịch bệnh tràn lan nên nhà nào có lợn chết mới báo với xã. Chính quyền và ngành chức năng đến lập biên bản xong rồi vứt đó cho chủ hộ tự xử lý. Nhà có đàn ông thì đào cái hố sâu một tí, nhà nào chỉ có phụ nữ, trẻ em thì chỉ đào cái hố vừa đủ lấp con lợn. Không rải vôi tiêu độc, khử trùng nên trời nắng, xác lợn trương phình lên, bốc mùi hôi thối khắp vùng. Đây chính là lý do làm cho dịch phát tán trong không khí, lây lan nhanh chóng”.

Điểm chốt chặn tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam không có người canh giữ

        Với nhiều gia đình ở các vùng quê Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đàn lợn là cả sản nghiệp của họ. Con cái ăn học, trả nợ tiền thuốc men, thực phẩm đều trông chờ vào chăn nuôi lợn. Chị Mai Thị Ới, người dân thôn 1 Thanh Tân, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: “Tôi biết heo tôi bị bệnh nguy hiểm nên phải báo với chính quyền địa phương, nhưng làng xóm nguyền rủa tôi vì tôi đi báo thì không bán heo được nữa. Chính quyền chốt ổ dịch nên không cho tiêu thụ heo, mổ heo”.

Tại các vùng trọng điểm dịch ở tỉnh Quảng Nam vào những ngày cuối tuần, nhiều điểm chốt chặn được dựng lên nhưng không có người canh giữ. Thương lái vô tư chở lợn từ vùng này sang vùng khác. Một người dân ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình cho biết, mấy ngày đầu thành lập điểm chốt chặn còn có lực lượng chức năng canh gác, sau thấy vắng dần, gần đây thì thả cửa. Lãnh đạo địa phương cho rằng, một khi dịch đã phủ kín địa bàn thì chặn đường này họ chạy đường khác.

Địa điểm chôn lợn chết ngay sau hè các hộ dân ở thị trấn Phú Đa.

Bất cập chính sách hỗ trợ

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, giá hỗ trợ hiện nay tại địa phương là 38.000 đồng/kg. Do mức giá hỗ trợ cao hơn giá thịt lợn ngoài thị trường nên xảy ra tình trạng: Một là, nhiều con lợn bị chết oan; hai là, người chăn nuôi không chủ động chống dịch. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phải điều chỉnh giá hỗ trợ bằng 80% giá thịt lợn ngoài thị trường: “Có nghĩa là giá thị trường lên thì hỗ trợ lên, giá thị trường xuống thì hỗ trợ xuống. Như thế sẽ bám sát được và hạn chế việc người dân có thể lợi dụng chính sách hỗ trợ như hiện nay”.

Tiêu hủy cả những con lợn đang còn sống.

         Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, khó khăn hiện nay là địa phương chưa tự chủ được kinh phí. Nguồn kinh phí phục vụ công tác chống dịch còn không biết lấy đâu ra, chưa nói đến kinh phí hỗ trợ: “Chúng tôi đang dự kiến 2 phương án. Thứ nhất là theo quy định của Chính phủ tức là hỗ trợ 80% theo giá thị trường. Hoặc theo Nghị định 02 là hỗ trợ 38.000 đồng/kg. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 70%, địa phương hỗ trợ 30%. Tuy nhiên, phương án địa phương tự chủ hỗ trợ đối với tỉnh Quảng Bình là rất khó. Do đó, chúng tôi thiên về hướng hỗ trợ 80% theo giá thị trường. Mà giá thị trường thì phải cập nhật hằng tuần”.

Một người dân ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tiêu hủy cả đàn lợn khi chưa xét nghiệm

      Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang áp dụng mức hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy với giá 25.000 đồng/kg hơi đối với lợn thịt, các loại lợn khác giá 43.000 đồng/kg hơi (gồm: lợn nái và lợn đực giống đang khai thác) theo Quyết định số 1253 của UBND tỉnh. Trường hợp giá thịt lợn hơi trên thị trường biến động cao hoặc thấp hơn 15% mức giá thịt lợn hơi thời điểm hiện tại, UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Tài chính tính toán, thông báo mức hỗ trợ chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy với mức giá: lợn thịt, lợn con các loại sẽ hỗ trợ 80% theo giá thịt lợn hơi trên thị trường; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ gấp 1,5 lần so với hỗ trợ các loại lợn khác./.
 

Kinh nghiệm nhiều năm chống dịch cho thấy, ngân sách hỗ trợ tập trung vào các hộ chăn nuôi nhỏ để vừa giảm thiệt hại của người dân, vừa động viên người dân phối hợp với các cơ quan chuyên môn để chống dịch. Thế nhưng, nếu hỗ trợ quá cao sẽ xảy ra tình trạng lạm dụng tiêu hủy quá mức, còn hỗ trợ thấp quá lại dẫn đến trường hợp một số người sẽ không khai báo với chính quyền mà bán đổ bán tháo hoặc giấu dịch.

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận